Lái xe lên, xuống dốc là một kỹ năng thiết yếu cho mỗi tay lái. Nắm vững các kỹ thuật lái lên, xuống dốc giúp bạn an toàn hơn trên mọi cung đường đi qua
Với những ai đã quen lái xe số tự động AT (Automatic Transmission), sẽ không có gì nhiều để bàn nhiều, bởi từ khi ra đời, số tự động đã cho người lái sự thoải mái và tiện lợi hết mức. Là hộp số có tính tối ưu, giúp người lái giảm bớt được nhiều thao tác khi vận hành xe, chủ yếu tập trung vào lái xe và xử lý tình huống. Lái xe số tự động trên đường tốt thì có lẽ không cần bàn nhiều về kỹ thuật lái, tuy nhiên, nếu đi đường đồi núi, bạn sẽ phải trang bị kiến thức cần thiết để đảm bảo an toàn cho chính mình và hành khách.
Kỹ thuật lái xe lên dốc:
Hãy để hộp số tự động làm phần việc của nó: Nhiều lái xe khi lên dốc thường sử dụng số L, hoặc 1, 2 (tùy theo ký hiệu xe) để tăng sức mạnh cho chiếc xe khi vượt dốc. Tuy nhiên, theo các nhà sản xuất khuyến cáo người lái là không nên và không cần thiết thay đổi vị trí số nhiều. Các vị trí số 1,2 hoặc 3 sau vị trí D chỉ dùng khi cần phanh động cơ hãm bớt quán tính xe bằng lực cản của động cơ hoặc xuất phát từ nơi có cát, bùn, trơn trượt… Còn khi lên dốc, đơn giản hãy dừng cần số ở vị trí D, việc chuyển số hãy để số tự động thực hiện.
Các hãng xe khuyến cáo người dùng không thay đổi vị trí cần số xuống
vị trí 2,1 (hoặc L tùy ký hiệu) nhiều khi lên dốc
Khi lên dốc gặp đường trơn trượt: Hiện nay hầu hết các xe đời mới đa phần có hệ thống ABS, có thể được trang bị thêm hệ thống ESP. Tuy nhiên, dù có ABS hay ESP thì xe vẫn rơi vào tình trạng mất lái nếu người lái sai kỹ thuật. Vấn đề cốt lõi để kiểm soát được tình hình đó là phải thật bình tĩnh, tránh tăng, giảm ga đột ngột đặc biệt là những khúc cua. Nếu là xe chỉ có một cầu sau, kể cả có hệ thống ABS hỗ trợ, nếu bạn tăng, giảm ga đột ngột vẫn có nguy cơ văng đuôi xe, có khả năng đuôi xe sẽ bị văng sang 2 bên đường. Cũng không nên chủ quan khi đi xe 2 cầu, tăng giảm ga đột ngột vẫn có thể đưa bạn và chiếc xe vào tình huống nguy hiểm. Khi đến đỉnh dốc cao, người lái cần giảm bớt ga để lường trước tình huống phía trước, bởi vì đây là đoạn khuất tầm nhìn hoàn toàn, sau khi qua đoạn dốc, thấy rõ đoạn đường phía sau dốc, mới tiếp tục rà ga đi tiếp.
Kỹ thuật lái xe xuống dốc:
Hạn chế sử dụng phanh khi xuống dốc: Xuống dốc là khi chiếc xe của bạn rơi vào tình trạng chạy theo quán tính. Xe càng to, trọng lượng lớn, tốc độ chủ động của xe càng lớn thì quán tính xe càng lớn. Điều dễ mắc phải khi xuống dốc ở nhiều lái xe là sử dụng phanh quá nhiều. Tuy nhiên, khi xuống một đoạn dốc dài thì phanh phải sử dụng liên tục, càng phanh nhiều thì phanh càng nóng, gây ra mất phanh, cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, lời khuyên ở đây là khi xuống dốc cần hạn chế tuyệt đối việc cho xe trôi theo quán tính mà cần xuống dốc bằng ga.
Dùng số 1,2,3 hoac L de phanh động cơ, giảm bớt quán tính xe, hạn chế sử dụng phanh
Khi xuống dốc, tùy vào độ dốc thực tế của con dốc, tình trạng địa lý, tình trạng giao thông mà lái xe có thể đưa ra quyết định sử dụng hộp số AT. Nếu với độ dốc trung bình, bạn vẫn có thể để chế độ D để xuống dốc. Với dốc cao hơn, nhiều đoạn cua gấp, bạn có thể sử dụng các vị trí đánh số 2,3,4 hoặc L có ở dưới vị trí D trên cần số để hãm xe khi xuống dốc. Phanh động cơ là chức năng nhờ lực cản của động cơ để giảm bớt quán tính xe.
Vào cua gập tay áo khi xuống dốc: Khi gặp khúc cua tay áo, cần giảm ga trước khi vào cua, chuyển cần số về vị trí thấp hơn để phanh động cơ. Khi vào cua, quay vô lăng nhẹ nhàng đủ hết vòng cua, tránh quay vô lăng quá nhiều, quá gấp sẽ làm lắc đuôi xe. Hết cua từ từ trả lái từ tốn, tuyệt đối không để cho vô lăng tự quay. Vấn đề cần nhớ ở đây là: Bạn hãy nhớ quan sát gương cầu lồi chiếu bên kia khúc cua, nếu không có gương cầu, cần bóp còi cảnh báo cho người bên kia khúc cua. Nếu khi vào cua, bạn nghe thấy tiếng bánh xe nghiến mặt đường rít lên thì đó là khi bạn đã đi quá tốc độ an toàn, cần giảm tốc độ cho những đoạn cua tiếp theo.
Gặp đường trơn, bùn đất: Sẽ rất nguy hiểm khi đang xuống dốc bạn gặp một vũng nước, nếu tránh được, nên tránh các vũng nước vì không ai biết được dưới vũng nước đó là gì? Một hố sâu hay một cục đá to… Chưa kể khi lái xe qua vũng nước với tốc độ cao, xa rất dễ bị mất lái, mất cả phanh khi đi qua. Tương tự khi gặp đoạn đường bùn lầy, nếu đoạn đường dài, không thể tránh được bạn nên đi thật chậm để phán đoán tình huống, sử dụng cần số ở các vị trí 2,3,4 hoặc L và phanh để vượt qua. Lưu ý khi dùng phanh, cần nhấp nhả phanh liên tục để tránh sa lầy và quay xe (kể cả xe có hệ thống phanh điện tử)
Lưu ý khi dùng phanh, cần nhấp nhả phanh liên tục để tránh sa lầy
và quay xe khi gặp đường trơn, bùn đất
Về cơ bản ngoài nắm vững kiến thức lái xe, người lái cần phải thật bình tĩnh để xử lý tình huống theo những gì mình đã được biết. Chúc các bạn lái xe an toàn trên mọi con đường của tổ quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét